Việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số vào giáo dục có vai trò quan trọng, mở ra nhiều phương thức quản lý và giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn; đồng thời, tiết kiệm thời gian, chi phí trong công tác giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục được thể hiện ở 02 lĩnh vực cơ bản; đó là: hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh và hoạt động quản lý giáo dục. Năm 2022, Phòng GD&ĐT Văn Yên xác định và phấn đấu hoàn thành 10 phần việc trọng tâm trong chuyển đổi số.

Để triển khai có hiệu quả các phần việc đã đề ra, Phòng GD&ĐT đã tham mưu và chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, Tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chuyển đổi số cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh thông qua các hội nghị, lồng ghép trong các Hội thi, cuộc thi, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Thứ hai, Tổ chức Hội thảo trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự tham gia của trên 400 đại biểu đến từ các trường học; tại Hội thảo, đã mời lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, lãnh đạo Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Yên Bái, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái tham dự để tư vấn, chia sẻ và hỗ trợ.

Thứ ba, Tổ chức rà soát nâng cao chất lượng đường truyền Internet; đến nay, tất cả các điểm trường chính đều đảm bảo về chất lượng đường truyền.

Thứ tư, Tham mưu đầu tư, mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho việc quản lí và dạy học;

Thứ năm, Phát động toàn ngành giáo dục tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm phục vụ chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính; sau phát động, đã có 60/60 trường hưởng ứng và đã có 62 sáng kiến tham gia. Sau khi xem xét, sơ duyêt, Phòng GD&ĐT đã lựa chọn 17 sáng kiến để tham dự các vòng thi cấp huyện. Tại vòng chung khảo cấp huyện, Phòng GD&ĐT có 6/10 sáng kiến trên địa bàn toàn huyện dự thi. Kết quả, cả 6 sáng kiến đều đoạt giải; trong đó, có 02 giải nhì, 02 giải ba và 02 giải khuyến khích;

Thứ sáu, Chỉ đạo 100% các trường tổ chức Ngày hội chuyển đổi số để vừa tuyên truyền, vừa để hướng dẫn cha mẹ học sinh sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh;

Thứ bảy, Chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người học về kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ ản thân trên môi trường mạng.

Thứ tám, Thành lập Tổ công nghệ thông tin để hỗ trợ, tư vấn cho các trường học trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ chín, Trong quá trình thực hiện, chỉ đạo các trường lựa chọn thực hiện các phần việc từ dễ đến khó, làm đến đâu chắc đến đó nhằm tạo sự lan tỏa, tạo động lực để hoàn thành các phần việc khác.

Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, công tác chuyển đổi số trong trường học năm 2022 đã đạt được một số kết quả sau:

100% các trường đã lập được kho lưu trữ, chia sẻ bài giảng, ngân hàng đề thi. Tất cả các trường phổ thông đã tổ chức triển khai sử dụng sổ điểm và học bạ điện tử. 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên sử dụng thành thạo các phần mềm quản lý và phần mềm dạy học; trong đó, nhiều trường đã tổ chức hiệu quả mô hình “lớp học không biên giới”; đặc biệt là môn tiếng Anh. Tất các trường thực hiện việc trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản, lưu trữ văn bản trên máy tính và môi trường mạng; 100% học sinh được điểm danh điện tử. Các trường phổ thông đã triển khai phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt. 100 trường học đã đủ điều kiện và thực hiện thành thạo hình thức hội nghị trực tuyến và tổ chức dạy học trực tuyến. Phòng GD&ĐT đã ký số từ năm 2021;

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện có hiệu quả các phần việc trong chuyển đổi số; trong đó, tập trung chỉ đạo ứng dụng có hiệu quả phần mềm quản lý số lượng học sinh và phần mềm kiểm soát tiến độ cho điểm trên số điểm điện tử; đẩy mạnh việc ký số của cán bộ quản lý và giáo viên; phát huy tác dụng của mô hình lớp học không biên giới.